Nếu độc giả đòi hỏi cái chặt chẽ của tuyến tính thời gian trong Tuổi thơ im lặng thì quả thực là không có. Là hồi kí, hồi ức nên dường như nhà văn nhớ đâu kể đó, và đã nói rồi mà chưa cạn thương, chưa đã nhớ thì quay lại nói tiếp ở những chương sau. Kết cấu tác phẩm khá rời với nhiều mẩu chuyện nhỏ, cứ như những lát cắt gọn mà ông bố chủ định cắt ra, đủ để kể cho những đứa con yêu của mình trước mỗi giờ đi ngủ. Mấy mươi đêm trôi qua như thế, ngắn ngủi thôi nhưng hẳn những đứa con ấy cũng như bố Khán sẽ mang theo nó suốt cả cuộc đời. Như thế giới người lớn chúng ta hôm nay vẫn canh cánh về một Tuổi thơ im lặng. Giữa thế giới văn chương nặng tính giải trí, lai căng, chúng ta hạnh phúc khi gặp thứ ánh sáng khác lạ từ những chất liệu cuộc sống nguyên sơ nằm trong sự lựa chọn của tình yêu Duy Khán. Một thế giới tuổi thơ hồn nhiên và vô cùng trong trẻo mà chúng ta dường như chỉ gặp trong một thời xưa cũ bỗng ùa về. Những không gian hoặc được địa danh hóa như núi Dạm, núi Bà Còm, chùa Hàm, chùa Cao, đèo Bẳng, rừng Đống Ngấn… hoặc nôm na gọi là cổng chùa, chỗ chôn rau, vườn nhà… là một phần quan trọng của hồi kí, được tác giả bao bọc trong sương khói cổ tích với việc vỡ lại những huyền thoại dân gian.
“Tuổi thơ im lặng” được xem là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời viết văn của Duy Khán. Qua từng dòng văn, tác giả đưa người đọc trở về với dòng sông kí ức, trôi dạt về một thời xa, xa lắm. Mộc mạc, đơn sơ mà gần gũi đến lạ thường, đọc những mẩu chuyện trong sách mà tưởng như ta đang sống lại một thời thơ dại đầy thú vị của một cậu bé làng quê. Cậu bé ấy thương yêu tất cả sự vật quanh mình, từ dãy núi, khu rừng đến ao hồ, làng xóm; từ cái cây trong vườn đến con chó vện, con mèo đen. Và trên tất cả những thứ ấy, cậu bé yêu thiết tha nơi chốn rau cắt rốn: “Tôi yêu quê hương tôi, cũng như yêu da thịt của tôi. Quê hương và tuổi thơ tôi luôn là điều kì diệu của tạo hóa cho con người”. Duy Khán đã đem tình yêu quê hương tha thiết ấy trải trên từng trang sách. Sâu lắng, lặng yên mà nồng thắm lạ lùng.
Giữa thời đại của kĩ thuật, của công nghệ và thế giới số hôm nay, chúng ta vẫn thường nói với nhau về sự thiệt thòi của con trẻ khi không được tắm mình trong bầu không khí trong trẻo của làng quê, không có nhiều kí ức thần tiên đầy thú vị nơi cánh đồng, lũy tre, bờ ao, rơm rạ… Thì những trang viết trong Tuổi thơ im lặng của Duy Khán sẽ phần nào bù lấp sự thiệt thòi ấy. Nó xứng đáng là hành trang đi cùng chúng ta trong từng bước trưởng thành của cuộc đời..