Kính thưa các thầy cô giáo
cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Ngày 22/12 không chỉ là Ngày thành lập Quân
đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân - một ngày
kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Hòa chung trong không khí
cả nước chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
(22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 -
22/12/2024), nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, Thư viện
nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả một tác phẩm thiếu nhi vô
cùng chân thực và xúc động về một thế hệ trẻ anh hùng, cuốn sách: “Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng
Quán. Cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong
túp lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cho đến nay, “Tuổi thơ dữ dội” đã trải qua nhiều lần tái bản. Cuốn sách hiện có
tại thư viện trường được xuất bản vào năm 2015, khổ 13.5x20.5cm, sách dày 720
trang do NXB Văn học ấn hành.
Cuốn sách kể về Đội thiếu niên trinh sát
Trung đoàn Trần Cao Vân gồm một nhóm các em thiếu niên chỉ tầm từ mười ba đến
mười lăm tuổi. Với tuổi đời còn quá trẻ nhưng các em đã phải gồng gánh trên đôi
vai của mình biết bao những lo toan, trăn trở, những hiểm nguy, nhọc nhằn và cả
vận mệnh của dân tộc. Thế nhưng mang trong mình một lí tưởng sống cao đẹp, một
tình yêu da diết với Cách mạng, các em đã đi theo lời dặn thiêng liêng của Hồ
Chủ Tịch: “Hãy quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Trước khi
tham gia kháng chiến, các em chỉ đơn thuần là những cậu bé bán bánh mì, bán kẹo
vừng, kẹo lạc… Nhưng sau khi gia nhập Vệ Quốc Đoàn, các em đã trở thành những tấm
gương anh dũng quật cường của biết bao thế hệ thiếu niên Việt Nam. Và có lẽ nổi
bật hơn cả là mảnh đời của ba chiến sĩ nhỏ tuổi: Mừng, Quỳnh và Lượm.
Quỳnh sơn ca là một cậu bé trắng trẻo và
tài năng, sinh ra trong một gia đình quý tộc của thành phố Huế, em vì yêu những
bài hát cách mạng mà đi theo cách mạng. Những cơn sốt rét và căn bệnh tim khiến
cho cậu bé đa tài Quỳnh sơn ca gầy gò, xanh lét. Những ngày nằm trong bệnh xá
trung đoàn, em lấy lá cây vả khô, lấy tờ giấy ghi đơn thuốc để viết vở nhạc kịch
về Mừng, về người bạn thân thiết nhất của em đã đi khắp cả thành phố Huế tìm lá
thuốc cho mẹ. Em không uống một viên thuốc, không ăn một miếng bánh mà ba mạ gửi
cho em, em không về đi du học Thụy Sỹ vì ba em là một tên Việt gian đầu sỏ. Với
tiếng hát vút cao em hát ca khúc “Sông Ô Lâu kháng chiến” do chính em sáng tác,
em hát bằng tất cả sức sống yếu ớt của mình, khi em hát xong bài hát ấy cũng là
lúc em trút hơi thở cuối cùng, trái tim em đã vỡ khi vở nhạc kịch còn dang dở…
Bên cạnh đó là hình ảnh chú bé Lượm. Lượm
chính là hình mẫu lí tưởng cho sự can trường, quả cảm và cam chịu. Lượm sinh ra
trong một gia đình có truyền thống yêu nước, sẵn trong mình dòng máu Cách mạng,
Lượm đã trở thành thiếu niên trinh sát từ khi còn nhỏ để nối tiếp sự nghiệp còn
dang dở của cha anh. Trong Vệ Quốc Đoàn, Lượm được coi là thành viên đáng tin cậy
nhất nên em được giao nhiều nhiệm vụ, nhiều thông tin mật. Chính vì thế em cũng
là một trong số những nạn nhân của tên Việt gian Kim. Cuối cùng Lượm bị bắt và
áp giải đến nhà lao Thừa Phủ. Mới mười lăm tuổi đời nhưng Lượm đã phải gồng
mình đấu tranh với biết bao thử thách. Em phải đấu tranh với cuộc sống nhà tù
dơ bẩn, nhớp nháp, bệnh tật và thiếu thốn đủ đường. Em đấu tranh với chế độ nhà
tù và còn phải đấu tranh với chính bản thân mình mỗi khi cảm thấy bất lực và gục
ngã. Thế nhưng với niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của một chiến sĩ Cánh mạng,
Lượm đã đứng lên và trở thành “anh hùng
nhà tù”, cảm hóa được những thế lực, băng đảng nổi loạn và đánh lạc hướng
lũ bán nước và cướp nước để mở đường cho cuộc vượt ngục lần thứ ba thành công.
Nhưng để lại day dứt nhất trong lòng
người đọc đó chính là cậu bé Mừng. Em trong sáng và ngây thơ một cách lạ kỳ. Em
thương mẹ, đã từng đi khắp nơi, trèo lên tất cả những ngọn cây bút để tìm thuốc
chữa bệnh cho mẹ, em tham gia Vệ quốc đoàn cũng đơn giản vì muốn sau giải
phóng, mẹ em và những người như mẹ em được chữa khỏi bệnh. Chính vì em ngây thơ nên em bị Kim một kẻ đã từng làm đội viên
trinh sát nhưng đã phản bội cách mạng lừa gạt. Kim đã lợi dụng sự thơ ngây của
Mừng để chụp ảnh trộm bản đồ chiến khu, rồi để Mừng mang tiếng oan là Việt
gian. Em trở lại chiến khu trong sự nghi kỵ, ghét bỏ của bạn bè, của các chú,
các anh. Em còn không biết Việt gian là gì thì làm sao em biết đi làm Việt
gian? Nhưng không ai tin em cả. Ngay cả lần gặp lại mẹ trước khi mẹ mất, mẹ cũng
nghĩ em làm Việt gian mà chết trong tức tưởi. Em gào lên “Mạ ! Mạ ! Con không
phải Việt gian. Con là Vệ quốc đoàn. Mạ ơi…”. Em đã kịp làm một nhiệm vụ của
người chiến sỹ vệ quốc đoàn trước khi em hy sinh đó là chỉ ra vị trí quân giặc
để chỉ huy chiến khu ném bom. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, em vẫn cố gắng
để nói một câu với người trung đoàn trưởng: “Anh đừng nghi em là Việt
gian nữa anh hí!”. Em sống mãi ở cái tuổi mười ba ngây thơ và trong
sáng, em hy sinh như những người con trung kiên khác của dân tộc…
Có lẽ rằng, mỗi học sinh đang ngồi học tập trên
ghế nhà trường sẽ cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được sống, được yêu thương
trong vòng tay bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Nhưng những mảnh đời nhỏ bé, sinh ra và
lớn lên trong thời kì loạn lạc thì lại không may mắn như vậy. Các bạn nhỏ trong
cuốn sách, cho dù mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều tự hào về một Việt
Nam anh dũng, kiên cường, căm ghét kẻ thù, và hơn hết mọi trái tim đều hướng về
một lí tưởng sống cao đẹp. Tuổi thơ của họ dữ dội nhưng ý nghĩa và cao cả bởi họ
đã sống, đã hi sinh hết mình cho quê hương, đất nước.
Với giọng văn chân thực, đầy xúc động,“Tuổi thơ dữ dội” thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học
Việt Nam, thực sự là một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước
và niềm trân trọng kí ức tuổi thơ. Hy vọng rằng
cuốn sách sẽ đến với bạn đọc của thư viện trường như là một món quà trong những
ngày cả dân tộc hướng tới Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mời độc giả tìm đọc cuốn sách tại thư viện!