Totto-chan bên cửa sổ - Kuoyanagi Tetsuko
Với tôi, mỗi quyển sách như một tách trà. Khi uống một tách trà, tôi không chỉ uống một cách bình thường mà còn đang cảm nhận sức sống mơn mởn của những lá chè tươi xanh với những giọt sương lung linh trong sớm mai. Mỗi tách trà là một linh hồn, một câu chuyện. Và vì thế đối với tôi, trà như một thứ nước làm xoa dịu tâm hồn, nhắc đến nó là nhớ ngay đến sự thanh đạm và thư thái. Nếu bạn hỏi tôi về một tách trà tôi yêu thích, tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng: “Totto-chan bên cửa sổ”.
“Totto-chan bên cửa sổ” là một đứa con tinh thần của Kuroyanagi Tesuko. Bà sinh năm 1933 ở Tokyo, là một diễn viên nổi tiếng nhất nhì xứ sở hoa anh đào nhiều năm liền. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở khắp nơi trên thế giới, Totto-chan bên cửa sổ được đón nhận như là một cuốn truyện giáo dục văn hóa, giới tính đối với các em thiếu nhi, sách tham khảo đối với các bậc phụ huynh học sinh, tài liệu sư phạm đối với các nhà giáo. Ở Nhật Bản, một số chương trong cuốn sách còn được đưa vào nội dung của sách giáo khoa. Năm 2011, tác phẩm lần đầu tiên chính thức xuất bản tại Việt Nam với bản dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Nhật.
Totto-chan sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc. Mới sáu tuổi, em đã bị đuổi học vì quá năng động và lạ lùng. Mẹ của Totto biết trường bình thường không thể hiểu con mình liền xin cho em vào học tại Tomoe, trường của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku. Tomoe có lớp học là những toa tàu cũ, trường rất ít học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto và có cả những em khuyết tật. Vượt qua những trở ngại và khác biệt tính cách, các học sinh ở Tomoe hoà hợp với nhau như anh em trong nhà. Thầy Kobayashi luôn tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Ở Tomoe học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng, các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Nhà trường còn tổ chức cắm trại, đi du lịch cho các em được mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên. Nhờ sự giáo dục của thầy, học sinh Tomoe đều trở thành những người tốt và thành đạt trong xã hội.
Cuốn sách mang tới một tư tưởng mới mẻ về việc giáo dục trẻ nhỏ. Ngôi trường có khá ít học sinh với những số phận khác nhau nhưng giữa các em không có sự phân biệt về hoàn cảnh gia đình, khiếm khuyết thân thể hay bất kì điều gì khác. Học sinh được tự do phát triển bản thân, các em tự thực hành nghiên cứu trong giờ học với sự hỗ trợ của giáo viên, mỗi em lựa chọn học môn học mình yêu thích. Thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô luôn quan sát và hướng dẫn các em hoàn thành bài tập cũng như những vướng mắc cuộc sống. Phát triển kĩ năng ở mọi thời điểm, các em được chơi đùa cả ngày. Những khuôn phép của một trường học bình thường trở nên vô nghĩa, những định nghĩa giáo dục kiên cố trở nên sét rỉ. Trong giờ ăn trưa các em được ăn những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và với tên gọi đơn giản “Món của đất, món của biển”, nghĩa là có đủ hải sản và nông sản. Cha mẹ vì thế mà không phải cầu kì, đắn đo suy nghĩ nên cho con mặc gì; chọn món đồ đơn giản, bình thường là quá đủ để các em khám phá thế giới của riêng mình. Ở ngôi trường Tomoe này có một điều đặc biệt nữa, đó chính là ở nơi đây điểm số không phải là thước đo đánh giá cho sự nỗ lực của học sinh. Trường Tomoe đã chứng minh điều đó cho mọi người. Động lực để con người phát triển toàn diện là sự động viên, hướng dẫn của những người đi trước.
Đặc biệt, tôi thực sự rất khâm phục và kính trọng vị hiệu trưởng của ngôi trường đó. Ông là một người rất thấu hiểu trẻ con, biết cách làm sao để giáo dục chúng lớn lên và phát triển hết sức có thể những thế mạnh của mình. Trong truyện, ông có rất nhiều câu nói tâm đắc, đáng phải suy ngẫm, ví dụ như “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em nhỏ. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa đấy.” Hay như cách thầy khuyên nhủ Totto không được đối xử bất công, coi thường những người khác với chúng ta: “Totto-chan là người Nhật, còn Masao-chan là người của một nước có tên là Triều Tiên. Nhưng cả con và Masao-chan đều là trẻ con như nhau cả, đừng có phân biệt người Nhật hay Triều Tiên gì nhé. Con hãy tỏ ra thân thiện với Masao-chan. Thật tội nghiệp cho bạn ấy khi bị người khác miệt thị chỉ vì là người Triều Tiên.”
Gia đình – Nhà trường – Xã hội chính là những nền tảng cốt yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Trẻ em chính là những mầm non tương lai của đất nước, hãy để các em được phát triển toàn diện nhất: “Các em biết không, tất cả các em đều là một! Bất kể các em làm gì, các em đều là một trên thế giới này”. Totto-chan chính là câu chuyện về một nền giáo dục trong mơ, về một phương pháp giáo dục mà mọi trẻ em hằng mong muốn. Nó mang trong mình một thông điệp đúng đắn, nhưng trong 30 năm tồn tại nó vẫn chưa thể thay đổi xã hội hoặc hành vi của số đông người lớn vì những gì đã trở thành chuẩn mực thì khó mà có thể thay đổi, nhưng những thế hệ đi trước hãy làm những điều tốt nhất có thể, hãy để trẻ em có nhận được sự tự do và sống đúng với đam mê của chính mình!